Hay ăn

Hưỡng dẫn nấu ăn

Chè trôi nước cá chép

Cách làm chè trôi nước cá chép đẹp mắt cho ngày Tết

  • Chế biến

    40 phút
  • Độ khó

    Dễ

Chè trôi nước là món chè truyền thống, khá phổ biến trong các dịp lễ Tết của người dân Việt. Hôm nay, hãy cùng vào bếp với HAY ĂN và trổ tài thực hiện ngay món chè trôi nước cá chép đẹp mắt cho ngày Tết thêm phần đầm ấm nhé!

Nguyên liệu làm Chè trôi nước cá chép

Đậu xanh cà vỏ Bột nếp Đậu hũ non Bột gấc Đường Muối Hành phi

Cách chọn mua nguyên liệu tươi ngon

Cách chọn mua đậu xanh cà vỏ (bóc vỏ) ngon

  • Nên chọn những hạt đậu có kích thước vừa phải và đồng đều, không quá to, khi bóp thử hạt chắc, không bị mềm dễ vỡ là được.
  • Không nên chọn những hạt đậu có màu sắc khác lạ, có dấu hiệu ẩm mốc hoặc mối mọt, khi ngửi có mùi lạ.
  • Chú ý kỹ bao bì và hạn sử dụng để chọn mua được đậu xanh ngon.
  • Đậu xanh cà vỏ bạn có thể chọn mua tại các chợ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm uy tín.

Cách chọn mua đậu hũ non ngon

  • Để chọn được miếng đậu hũ ngon không chứa thạch cao thì nên chọn những miếng trắng ngà, không chọn những miếng ngả vàng hoặc vàng.
  • Nên chọn những miếng cầm nhẹ tay và mịn màng, đó là những miếng đậu hũ ngon.
  • Đậu hũ tươi và nguyên chất sẽ có mùi thơm đặc trưng, còn đậu hũ chứa tạp chất sẽ có mùi thoang thoảng như mùi vôi.
  • Bạn nên chọn mua đậu hũ tại các siêu thị, cửa hàng bách hóa uy tín để đảm bảo chất lượng được tốt nhất.
  • Ngoài ra, bạn cũng có thể thử sức làm đậu hũ ngay tại nhà để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Lưu ý về bột gấc: Bột gấc bạn có thể tìm mua tại các khu chợ, siêu thị hoặc cửa hàng bách hóa trên toàn quốc hay mua online trên các trang thương mại điện tử uy tín. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng gấc tươi vẫn được nhé.

nguyên liệu làm chè trôi nước cá chép

Dụng cụ thực hiện

Lò vi sóng, chảo, rây, nồi, cây trộn bột,...

Cách chế biến Chè trôi nước cá chép

  • Nấu đậu xanh

    Để loại sạch bụi bẩn, đậu xanh mua về các bạn mang vo sạch với nước, sau đó ngâm trong nước lạnh khoảng 8 tiếng hoặc ngâm trong nước nóng khoảng 1 tiếng để đậu xanh được mềm. Vớt đậu xanh ra, để ráo nước.

    Bắc chảo lên bếp, cho phần đậu xanh vừa ngâm vào, sau đó đổ nước đầy khoảng 1 lóng tay. Bật bếp và tiến hành nấu đậu ở lửa vừa đến nước sôi thì tiếp tục nấu thêm khoảng 5 phút nữa cho phần nước cạn xâm xấp mặt đậu.

    Vặn nhỏ lửa, đậy nắp và nấu cho đến khi phần nước cạn hẳn, hạt đậu dẻo, mềm hoàn toàn.

    Mách nhỏ:

    • Trong quá trình nấu tránh khuấy đậu quá nhiều, khiến đậu bị sượng.
    • Nên theo dõi thường xuyên để tránh nước cạn quá lâu sẽ khiến đậu bị cháy.
  • Sên nhân đậu xanh

    Khi đậu đã chín mềm, các bạn dùng cây trộn bột (cây vét bột) cà và nghiền nhuyễn đậu xanh.

    Thêm tiếp 1/2 muỗng cà phê muối và một muỗng cà phê đường vào chảo sau đó trộn đều trên bếp ở lửa nhỏ đến khi các gia vị tan hoàn toàn, đậu xanh đặc lại, dẻo mịn.

    Cuối cùng, rắc một ít hành phi vào chảo đậu xanh, đảo đều thêm một lần nữa rồi tắt bếp.

    Mách nhỏ:

    • Nhân đậu xanh đạt yêu cầu là khi chúng đặc lại thành một khối, tách ra khỏi chảo và khi trộn không còn bị dính vào cây trộn bột nữa.
    • Không sử dụng nhân đậu xanh còn ướt để làm bánh vì khi hấp sẽ làm bánh bị chảy xệ, mấy đi hình dạng và không còn đẹp mắt.
  • Pha màu bột bánh

    Cho 70gr đậu hũ non lên rây rồi dùng muỗng nghiền nhuyễn. Kế đến, cho 130gr bột nếp vào tô đậu hũ nghiền và trộn đều.

    Mách nhỏ: Trộn bột với đậu hũ giúp cho bánh trôi nước khi thành phẩm được thơm, béo hơn.

    Chia hỗn hợp bột vừa trộn làm 2, một phần mang đi pha màu, phần còn lại pha với nước ấm.

    Đối với phần bột màu cam:

    Hòa 1 muỗng cà phê bột gấc với 4 muỗng canh nước nóng, khuấy đều cho bột tan hoàn toàn. Kế đến, đổ hỗn hợp nước màu và pha qua rây để loại bỏ cặn và bột không tan.

    Mách nhỏ: Vì bột gấc hơi khó tan, bạn nên hòa chúng với nước ấm để chúng tan dễ dàng hơn.

    Thêm từ từ phần nước gấc vào tô bột, mang bao tay và tiến hành nhồi bột đến khi phần bột lên màu cam đẹp mắt, mịn và không còn dính tô nữa là được.

    Đối với phần bột trắng không pha màu:

    Sau khi đã trộn đều, đổ từ từ nước ấm vào, rồi dùng tay trộn đều đến khi bột đạt được độ dẻo mịn mong muốn là được.

    Bột bánh sau khi đã nhồi xong, các bạn cho vào tô và dùng màng bọc thực phẩm bao lại, để bột nghỉ khoảng 10 -15 phút sau đó cho vào lò vi sóng quay ở mức nhiệt trung bình trong 30 giây. Lấy bột ra và nhồi bột lại một phần nữa cho bột dẻo mịn.

    Mách nhỏ:

    • Phần nước gấc trộn bột cần giữ nóng, nếu dùng nước lạnh trộn bột sẽ co lại, vón cục và bị hỏng.
    • Phần bột đạt yêu cầu là khi có thể vo viên dễ dàng, bột không còn ướt dính tay, hoặc quá khô, nứt vụn.
    • Nếu bột quá khô, các bạn có thể đổ thêm từ từ một ít nước nữa. Ngược lại, nếu phần bột quá ướt, bạn nen cho thêm một ít bột nếp và trộn đều đến khi đạt được độ đặc mong muốn.
  • Tạo hình cá chép

    Rắc một ít bột nếp khô lên khuôn bánh.

    Đối với cá chép đốm cam:

    • Lấy tổ hợp 2 màu trắng, cam ra sau đó xếp xen kẽ tùy thích vào dưới đáy khuôn ròi ấn chặt. Kế đến, cho nhân vào giữa phần bột ròi tiếp tục phụ một lớp bột lên trên, ấn chặt và dàn đều cho bột phủ đầy hết khuôn.
    • Tiếp theo, các bạn nhận và tách viên bánh ra khỏi khuôn và xếp ra dĩa.

    Đối với cá chép trắng hoặc cam: Các bạn chỉ cần lấy một loại bột (trắng hoặc cam) cho vào khuôn và thực hiện các bước làm tương tự như trên.

    Lặp lại các bước này cho đến khi hết phần nguyên liệu đã chuẩn bị. Phần bột thừa bạn có thể vo thành các viên tròn cỡ 1 viên bi.

  • Luộc bánh

    Bắc một nồi nước lên bếp và đun sôi, sau đó cho bánh trôi nước vào nồi, hạ nhỏ lửa và luộc đến khi bánh chín và nổi lên trên mặt.

    Bắc nồi khác lên bếp cho 500ml nước vào, sau đó cho 100gr đường cát trắng vào nấu đến khi đường tan hết.

    Khi bánh chín các bạn vớt ra và cho vào nồi nước đường, nấu ở lửa nhỏ thêm 5 phút nữa là hoàn thành.

    Mách nhỏ:

    • Để món ăn được thơm ngon, bạn có thể cho thêm vào nồi nước đường một ít gừng cắt sợi.
    • Trong quá trình luộc bánh các bạn cần nấu ở lửa nhỏ để bánh chín đều và nên vớt bánh thật nhẹ nhàng để tránh làm nát bánh.
  • Thành phẩm

    Chúng ta vừa hoàn thành món chè trôi nước hình cá chép vô cùng hấp dẫn. Bánh trôi nước mềm dẻo bên ngoài, lại bùi bùi, ngậy ngậy của đậu xanh bên trong, quyện cùng nước đường ngọt ngào chắn chắn sẽ khiến bạn cứ muốn ăn hoài mà không biết chán.

Mẹo thực hiện thành công

  • Khi nấu nước luộc bánh bạn thêm vài lát gừng thái chỉ mỏng và 1 ít giấm ăn. Giấm có tác dụng làm vỏ bánh trôi trở nên mềm và không bị cứng.
  • Khi nhào bột, bạn đổ nước từ từ, vừa đổ vừa nhào để bột không bị nhão. Nhào xong thì bọc khối bột lại bằng màng bọc thực phẩm để bột nở đều và không bị khô.
  • Khi nước sôi, bạn vặn lửa về mức trung bình rồi thả nhẹ nhàng từng viên bánh vào. Tiếp tục luộc bánh với ngọn lửa vừa và nhỏ để bánh chín đều, tránh trường hợp nấu lửa to khiến bánh bị nát.

Cách bảo quản chè trôi nước

  • Để đảm bảo hương vị của chè trôi nước, các bạn nên dùng trong ngày là ngon nhất (để 10 - 12 tiếng ở ngoài thời tiết mát).
  • Nếu không sử dụng hết, bạn nên cho vào khay hoặc hộp đậy kín và để trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 2 - 3 ngày. Khi muốn dùng, các bạn mang hâm nóng lại là có thể thưởng thức.

Món chè trôi nước cá chép dẻo ngon nhưng lại thật dễ làm đúng không nào. Chắc chắn sẽ giúp bạn “ghi điểm” với khách đến thăm nhà đấy.

*Tham khảo hình ảnh và công thức từ kênh YouTube Kim Mai kitchen

Từ khóa: Chè trôi nước cá chép,cách làm chè trôi nước cá chép,cách làm chè trôi nước,chè trôi nước cá chép,chè trôi nước,món chè ngày tết,cách làm chè trôi nước cá chép,cách làm chè trôi nước,chè trôi nước cá chép,chè trôi nước,món chè ngày tết,cách làm chè trôi nước cá chép,cách làm chè trôi nước,chè trôi nước cá chép,chè trôi nước,món chè ngày tết,