Hay ăn


Hưỡng dẫn nấu ăn


Bánh papparoti bằng xửng hấp

Cách làm bánh papparoti bằng xửng hấp không cần lò nướng thơm ngon siêu dễ

  • Chuẩn bị

    2 giờ
  • Chế biến

    30 phút
  • Độ khó

    Trung bình

Bánh papparoti giòn xốp nhẹ, thơm phức mùi cà phê cùng thớ bánh dai mềm mằn mặn, béo ngọt cực kỳ bắt vị. Nếu bạn cũng là “fan cuồng” của món bánh này thì giờ đây cũng có thể làm tại nhà chỉ với một chiếc xửng hấp mà không cần đến lò nướng. Cùng nhau vào bếp xem ngay công thức nhé!

Nguyên liệu làm Bánh papparoti bằng xửng hấp

Bột bánh mì (bột mì số 13) Bột mì đa dụng (bột mì số 11) Bột cà phê hòa tan Men nở instant Bột cacao nguyên chất Bơ lạt Bơ mặn Sữa tươi không đường Trứng Đường Muối Dầu ăn

Bột bánh mì - bread flour là gì?

  • Bột bánh mì (bread flour hay còn gọi là bột mì số 13) là loại bột được làm từ lúa mì và có hàm lượng protein cao hơn so với các loại bột khác nằm trong khoảng từ 12 - 14%.
  • Khi làm bánh, lượng protein cao trong bột sẽ kết hợp với men nở tạo nên độ dai của bánh, vì vậy chúng được sử dụng để làm những loại bánh dai và có kết cấu chắc như bánh mì, bánh pizza hay bánh gối.

Men nở instant là gì?

  • Men nở instant là 1 trong số 3 loại men rất quan trọng trong quá trình chế biến các món bánh, bởi các vi sinh vật có trong men sẽ giúp cho bánh được lên men dễ dàng và nhanh chóng hơn.
  • Trong đó, men nở instant là những hạt li ti rất mịn và có màu nâu. Do men instant có thể tạo ra nhiều khí gas hơn, cho nên khi làm bánh bạn không cần phải sử dụng quá nhiều mà vẫn có được thành phẩm như mong đợi.
  • Đặc biệt, khi sử dụng men nở instant thì bạn không cần phải kích hoạt men trước mà có thể trộn trực tiếp vào bột rồi chế biến.

Nguyên liệu làm bánh papparoti bằng xửng hấp

Dụng cụ thực hiện

Xửng hấp, chảo chống dính, , muỗng, màng bọc thực phẩm, túi bắt kem,...

Cách chế biến Bánh papparoti bằng xửng hấp

  • Trộn bột bánh

    Đầu tiên, bạn cho vào tô 230gr bột mì số 13, sau đó dùng muỗng tạo ra 3 cái lỗ nhỏ. Lần lượt cho vào từng lỗ 4gr men nở instant, 3gr muối, 30gr đường rồi trộn đều.

    Mách nhỏ: Việc cho riêng các nguyên liệu vào từng lỗ là để tránh tình trạng men khô tiếp xúc trực tiếp với muối. Vì như vậy sẽ khiến men bị chết hoặc hoạt động yếu.

    Tiếp theo, tạo 1 cái lỗ to ở giữa rồi cho vào thêm 110ml sữa tươi không đường, 1 quả trứng gà. Bạn khuấy đều hỗn hợp sữa trứng rồi bắt đầu trộn đều cho bột kết dính lại thành khối đồng nhất.

  • Nhồi và ủ bột lần 1

    Phủ 1 ít bột mì khô ra bàn, sau đó đặt khối bột lên trên rồi dùng tay nhồi bột theo kỹ thuật Folding and Stretching.

    Đầu tiên, bạn gấp bột lại, sau đó dùng mu bàn ấn và miết bột ra xa. Lưu ý là ấn và miết bột ra xa chứ không phải ấn xuống. Kế tiếp xoay khối bột một góc 90 độ rồi lặp lại hai bước trên trong 15 phút.

    Khi khối bột bắt đầu mịn, bạn cho thêm 30gr bơ lạt lên trên bột, sau đó lặp lại động tác nhồi trên thêm 10 phút đến khi bột tạo thành khối đồng nhất, mịn, đàn hồi.

    Cách nhận biết bột đạt yêu cầu:

    • Bột không dính tay: Khi nhấn vào cảm thấy hơi dính, nhưng khi nhấc ngón tay ra thì bột không dính tay.
    • Bột dẻo mịn, có độ đàn hồi tốt, có thể kéo dãn bột thành màn mỏng mà không bị rách
    • Kiểm tra bột bằng Windowpane: ngắt một phần bột, kéo dãn bột ra. Nếu bột tạo thành màng mỏng, không dễ bị rách và ánh sáng có thể đi xuyên qua là đạt.

    Tiếp theo, phết 1 lớp dầu ăn vào tô, cho khối bột vào, đậy kín bằng màng bọc thực phẩm và ủ trong 60 phút đến khi bột nở gấp đôi.

    Mách nhỏ: Bạn có thể kiểm tra bột ủ đạt hay chưa bằng cách dùng tay nhấn sâu vào khối bột. Nếu vết lõm giữ nguyên là đạt, nếu không nghĩa là bột cần được ủ thêm.
  • Chia bột và ủ bột lần 2

    Sau khi ủ xong, bạn nhồi sơ khối bột lại để ép hết các bọt khí ra ngoài. Kế đến, chia bột thành 6 phần bằng nhau, mỗi phần nặng 70gr rồi vê tròn.

    Tiếp theo, đặt từng phần bột vào khay, phủ kín bằng màng bọc thực phẩm và để bột nghỉ trong 10 phút.

    Mách nhỏ: Để bột dễ cán hơn, bạn nên để bột nghỉ trong khoảng 10 - 15 phút cho sợi gluten trong bột được thư giãn nhé!

    Chia 18gr bơ mặn làm 6 phần bằng nhau, mỗi phần khoảng 3gr.

    Tiếp theo, cán mỏng từng phần bột, cho nhân phô mai mặn vào giữa rồi túm kín mép bột lại, vê tròn bột. Khi đã tạo hình xong, bạn phủ kín bánh bằng khăn hoặc màng bọc thực phẩm và ủ lần 2 khoảng 30 - 40 phút đến khi bột nở gấp đôi.

  • Làm lớp kem phủ

    Cho vào chén 3gr bột cà phê hòa tan, 5ml nước sôi, 35gr đường bột, 40gr bột mì đa dụng. Tiếp đến, tách 1 quả trứng gà lấy 25gr lòng trắng trứng cho vào chén. Trộn đều đến khi được hỗn hợp sánh mịn.

    Sau đó, bạn cho vào thêm 1/2 muỗng cà phê bột cacao nguyên chất, 40gr bơ lạt để mềm ở nhiệt độ phòng và tiếp tục trộn đều cho hỗn hợp sệt sánh lại là đạt.

  • Phủ kem và hấp bánh

    Cho phần kem vừa làm vào túi bắt bông kem, sau đó bạn bơm kem thành hình xoắn ốc khoảng 1/2 cái bánh.

    Sau đó, bạn đặt bánh vào khuôn nhỏ rồi bọc kín lại bằng 1 tấm giấy bạc. Đặt khuôn bánh vào xửng hấp và hấp chín trên lửa trung bình khoảng 18 phút. Lấy bánh ra để nguội là có thể thưởng thức được rồi.

    Mách nhỏ: Nếu bạn muốn ăn bánh vỏ giòn thì sau khi hấp xong, bạn lấy bánh ra cho vào chảo chống dính, đậy nắp kín và nướng sơ lại trên lửa nhỏ mỗi mặt 5 phút để vỏ bánh được giòn nhé!
  • Thành phẩm

    Bánh papparoti bằng xửng hấp mặc dù có lớp vỏ không được giòn như phiên bản nướng lò, tuy nhiên độ ngon thì khỏi phải bàn cải. Bánh vừa chín tới đã ngào ngạt hương thơm từ cà phê, vỏ bánh mềm, dai dai, bùi béo quyện đều cùng nhân bơ mằn mặn hấp dẫn.

Vậy là bạn đã biết cách làm bánh papparoti bằng xửng hấp thơm ngon, đơn giản rồi đó. HAY ĂN đảm bảo bạn sẽ cực kỳ thích mùi vị của món bánh này đó!

Từ khóa: Bánh papparoti bằng xửng hấp,cách làm bánh papparoti bằng xửng hấp,cách làm bánh papparoti không cần lò nướng,cách làm bánh papparoti,bánh paparoti,bánh papparoti,cách làm bánh papparoti bằng xửng hấp,cách làm bánh papparoti không cần lò nướng,cách làm bánh papparoti,bánh paparoti,bánh papparoti,