Hưỡng dẫn nấu ăn
Cách làm bánh chưng nếp cẩm nhân thịt heo thơm ngon cho ngày Tết
Chuẩn bị
4 giờChế biến
2 giờĐộ khó
Trung bình
Bánh chưng là món bánh cổ truyền không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến. Hương vị của món bánh này hẳn không quá xa lạ với chúng ta, hôm nay hãy cùng HAY ĂN vào bếp biến tấu món bánh truyền thống này với gạo nếp cẩm để có ngay món bánh chưng gạo nếp cẩm nhân thịt heo thơm ngon, mới lạ hơn cho ngày Tết nhé!
Nguyên liệu làm Bánh chưng nếp cẩm nhân thịt heo
Gạo nếp cẩm Gạo nếp trắng Thịt heo (thịt ba chỉ heo) Đậu xanh cà vỏ Nước mắm Hành tím Gia vị thông dụng (đường/muối/bột ngọt/tiêu) Lá dong Dây lạt ( 18 dây)Thông tin về gạo nếp cẩm
Nếp cẩm (hay còn gọi là nếp than) là loại gạo có màu đen nhưng khi nấu lên chuyển sang màu tím. Gạo nếp cẩm có giá trị dinh dưỡng cùng hàm lượng tinh bột cao tương tự như gạo lứt, rất tốt cho sức khỏe. Nếp cẩm có hương vị thơm ngon đặc trưng nên thường được dùng để làm nhiều món ăn hấp dẫn như: xôi, bánh, sữa chua, rượu hay là làm những món tráng miệng.
Cách chọn mua nguyên liệu tươi ngon
Cách chọn mua thịt heo tươi ngon
- Thịt làm nhân bánh chưng có thể chọn mua thịt ba chỉ hoặc thịt nạc vai, thịt có nạc có mỡ ngang nhau không nên chọn loại thịt nhiều nạc khi ăn sẽ dễ ngán.
- Thịt heo tươi ngon là miếng thịt có phần mỡ trắng đục và phần nạc đỏ hồng, dưới lớp da phải có lớp mỡ dày khoảng 2cm, có mùi đặc trưng của thịt tươi, không chọn mua thịt có mùi lạ, mùi ôi thiu.
- Có thể chọn mua thịt ba chỉ ngon bằng cách dùng tay ấn lên lớp mỡ của thịt nếu miếng mỡ nhanh chóng trở lại hình dạng ban đầu thì nên mua.
Cách chọn mua gạo nếp cẩm ngon
- Chọn nếp ngon dựa trên hình thức của hạt gạo nếp, hạt nếp phải có màu tím thẫm hoặc ngả đen, bụng hạt nếp có một đường màu vàng nhạt, hạt gạo nếp hình tròn hơi dẹp.
- Tránh mua hạt gạo nếp bị gãy hoặc có màu, có mùi lạ.
Cách chọn mua lá dong
- Chọn lá có màu xanh đậm, không chọn lá quá non hoặc quá già, lau thật sạch cả hai mặt lá, loại bỏ 1/2 phần gân lá chính để khi gói bánh dễ thao tác hơn.
- Chọn lá dong có phiến lá to, có độ dài vừa phải.
- Nếu thay bằng lá chuối thì nên chọn lá chuối có màu xanh đậm, phiến lá to, loại bỏ hoàn toàn gân lá chính, phơi lá dưới nắng mặt trời cho lá héo hoặc chần lá với nước sôi sau đó lau sạch hai bề mặt lá.
Dụng cụ thực hiện:
Nồi áp suất, cân điện tử hoặc cân chuyên dụng làm bánh, cây gắp bánh, dao,...
Cách chế biến Bánh chưng nếp cẩm nhân thịt heo
-
Ngâm nếp cẩm và đậu xanh
Lấy 640gr gạo nếp cẩm trộn với 500gr gạo nếp trắng, đổ nước ngập khoảng 1 đốt lóng tay, cho thêm 1 muỗng cà phê muối. Ngâm trong 14 giờ đồng hồ sau đó vo lại với nước sạch và để ráo nước.
Lấy 540gr đậu xanh cà vỏ ngâm với nước trong 4 giờ đồng hồ sau đó xả lại nước sạch để ráo.
-
Ướp thịt
Thịt heo rửa sạch với nước muối loãng để khử mùi hôi, sau đó cắt lát dày khoảng 1cm rồi đem ướp với 1/2 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê đường, 1/3 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng canh nước mắm trộn đều tất cả nguyên liệu với 50gr hành tím băm nhuyễn hoặc thái lát mỏng tùy sở thích và 1 ít tiêu.
Đậu xanh sau khi ngâm, cho vào 1/2 muỗng cà phê đường, 1/2 muỗng cà phê muối và 1/4 muỗng cà phê bột ngọt và trộn đều lên.
-
Cho nhân lên lá
Số lượng nguyên liệu đã chuẩn bị sẽ làm được 3 cái bánh. Mỗi cái bánh bao gồm 180gr đậu xanh đã ướp gia vị, 380gr nếp cẩm trộn với nếp trắng, 2 đến 3 miếng thịt heo tùy theo độ lớn của miếng thịt.
Lấy 2 miếng lá dong xếp thành hình chữ thập, lấy 380gr nếp cẩm chia làm 2 phần bằng nhau, cho một phần nếp lên trọng tâm của lá sau đó dùng muỗng dàn đều nếp ra, phần nếp ở giữa sẽ mỏng hơn xung quanh.
Tiếp theo lấy 180gr đậu xanh đã ướp gia vị chia làm 2 phần bằng nhau và cho một phần đậu xanh lên lớp nếp cẩm lúc nãy, tiếp tục dàn đều chúng ra thành 1 lớp mỏng.
Tiếp theo xếp thịt heo lên lớp đậu và nếp, xếp thịt hợp lí để thịt phủ kín lớp đậu. Cuối cùng cho phần đậu còn lại phủ kín lớp thịt và phần nếp còn lại phủ kín và đều lớp đậu.
Làm tương tự với phần nhân của 2 cái bánh còn lại.
-
Gói bánh
Gấp hai đầu lá đối diện lại với nhau rồi dùng 1 dây lạt cột tạm để cố định hai đầu lá. Sau đó lật ngược gói bánh lại, lấy một đầu gập lại làm đáy, vỗ nhẹ nhàng để các hạt nếp dàn đều bên trong bánh. Dùng muỗng nhấn từ từ để nén gạo nếp chặt lại.
Kế tiếp dùng kéo cắt bớt phần lá dư đi, đảo đầu và gói bánh lại, chỉnh sửa lá để lá bao bọc hết toàn bộ gạo nếp và nhân bên trong. Dùng kéo cắt bỏ phần lá dư đi, dùng phần lá mới cắt đè xuống, rồi khéo léo gấp bánh lại sau cho các góc bánh phải vuông, đảo đầu lại và thực hiện các thao tác tương tự, sau đó dùng dây lạt cột cố định hai đầu bánh lại với nhau sao cho hai dây lạt tạo với nhau thành hình chữ thập.
Dùng thêm bốn dây lạt khác tiến hành công đoạn gióng bánh (cột dây tạo hình cho bánh), cột lần lượt các dây lạt sao cho chúng song song với hai dây vừa rồi, lưu ý không cột chặt tay như bánh tét nhưng cũng không được cột lỏng quá sẽ dễ làm bánh bị nông nước trong quá trình nấu. Lặp lại thao tác tương tự với hai chiếc bánh còn lại.
Nếu bạn sử dụng lá chuối để thay thế lá dong gói bánh chưng thì thao tác vẫn y như vậy. Hoặc có thể sử dụng khuôn gói bánh chưng, để gói bánh dễ dàng hơn. Đối với gói bằng khuôn bánh thì khi gói bánh, lá gói bánh vừa khít với khuôn bánh là đạt yêu cầu.
-
Hấp bánh
Chuẩn bị 1 nồi áp suất rồi bỏ phần lá vụn khi gói bánh vào đáy nồi, tiếp đến xếp lần lượt bánh vào nồi, xếp bánh dọc đứng theo hình vòng cung của thành nồi hấp, cho thêm nước vào ngập hơn 2/3 bánh rồ tiến hành hấp với nồi áp suất trong 1 giờ đồng hồ.
Sau 1 giờ hấp bánh, bạn ngắt điện, mở nắp nồi rồi trở bánh cho bánh chín đều, tiếp tục cắm điện hấp trong 40 phút nữa. Sau đó cắt điện, ủ bánh trong nồi áp suất khoảng 20 phút.
Lấy bánh ra ngâm vào nước lạnh 5 phút và ép bánh để cho bánh dẻ lại, dùng một tấm thớt mỏng đè lên bánh rồi lót thêm 1 lớp giấy bạc hoặc giấy A4 lên, dùng vật nặng đè lên và ép. Nếu muốn bánh dẻ thì ép mạnh tay nhưng đừng mạnh quá sẽ làm vỡ bánh, còn muốn bánh không dẻ quá mà vẫn còn tơi vừa ăn thì ép nhẹ nhàng để đẩy nước bị nông trong qúa trình hấp bánh ra ngoài. Để cho bánh nguội là có thể thưởng thức được món bánh chưng độc đáo này rồi.
Lưu ý:
- Để giữ màu cho lá khi hấp bánh bạn nên đổ nước sôi vào nồi hấp bánh thay vì nước lạnh.
- Để bảo quản bánh được lâu, khi ngâm nếp bạn bỏ vào thêm 1 muỗng cà phê muối và khi ướp thịt không nên ướp với hành tím nhé!
-
Thành phẩm
Vậy là đã có món bánh chưng truyền thống mang hương vị mới lạ, gạo nếp cẩm dẻo thơm mùi hương đặc trưng kết hợp với vị bùi bùi của đậu xanh và đậm đà béo ngậy của thịt mỡ hứa hẹn sẽ tạo ra một cuộc dạo chơi thú vị của vị giác. Với món bánh chưng gạo nếp cẩm nhân thịt heo này nên ăn kèm với 1 ít đồ chua, củ kiệu sẽ tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn đấy!
Mẹo thực hiện thành công
- Thời gian luộc bánh sẽ tác động trực tiếp đến thời gian bảo quản bánh. Luộc bánh lâu và kĩ sẽ giữ được bánh lâu hơn.
- Để bánh có vỏ ngoài xanh đẹp khi đem luộc hãy đổ nước sôi vào luộc bánh. Hoặc chúng ta có thể chần bánh qua với nước sôi, khi bánh chín nên đem ngâm với nước lạnh khoảng 5 phút.
- Sau khi luộc bánh và ngâm nước lạnh hãy dùng vật nặng như tấm thớt để ép lượng nước thừa trong bánh ra làm cách này sẽ giúp bánh giữ được hình dạng đẹp bắt mắt.
- Bánh chưng có thể bảo quản bằng cách lau sạch và kĩ bề mặt lá gói bánh, sau khi hấp bánh xong nên rửa sạch bề mặt bánh sau đó treo bánh ở nơi thoáng gió.
Trên đây là hướng dẫn làm món bánh chưng nếp cẩm nhân thịt heo thơm ngon đơn giản, lạ mắt. Bắt tay vào thực hiện ngay món bánh này nhé! Chúc bạn thành công!
*Nguồn tham khảo hình ảnh và công thức từ kênh YouTube Vành Khuyên Lê
Từ khóa: Bánh chưng nếp cẩm nhân thịt heo,cách làm bánh chưng nếp than,cách làm bánh chưng nếp cẩm,bánh chưng nếp cẩm nhân thịt heo,bánh chưng nếp than nhân thịt heo,món bánh,cách làm bánh chưng nếp than,cách làm bánh chưng nếp cẩm,bánh chưng nếp cẩm nhân thịt heo,bánh chưng nếp than nhân thịt heo,món bánh,cách làm bánh chưng nếp than,cách làm bánh chưng nếp cẩm,bánh chưng nếp cẩm nhân thịt heo,bánh chưng nếp than nhân thịt heo,món bánh,