Hưỡng dẫn nấu ăn
Cho dù có hấp, luộc hay chiên thì dimsum vẫn khiến thực khách lưu luyến khó quên vì hương vị tinh tế và sự đa dạng trong cách chế biến của mình. Hãy cùng tìm hiểu cách làm dimsum nhé!
Dimsum là tên gọi chung của một dòng món ăn truyền thống của người Trung Hoa và xuất hiện ở hầu hết khắp mọi nơi trên thế giới. Dimsum bao gồm một lớp bột thật mỏng, thật mềm bọc bên ngoài và nhân ở bên trong, sau đó được hấp, luộc, chiên hoặc nướng cho chín. Ở Quảng Đông các món hấp được ưa chuộng hơn và thường được chọn để dùng cho bữa sáng. Hôm nay, các bạn sẽ được hướng dẫn làm 5 món dimsum phổ biến nhất và đặc trưng nhất.
1
Há cảo nhân tôm thịt
Hương vị tươi ngon của tôm thịt kết hợp với lớp vỏ bánh mềm dai và nước chấm tạo nên món bánh há cảo ngon không thể từ chối.
Nguyên liệu
-
100g bột gạo
-
100g bột năng
-
150g thịt theo bằm
-
100g tôm tươi
-
5 củ năng
-
Gia vị: đường cát trắng, hạt nêm.
Cách làm há cảo nhân tôm thịt
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Tôm mua về bạn rửa sạch, bóc vỏ, bỏ chỉ đen rồi băm nhuyễn ra để làm nhân há cảo. Củ năng gọt vỏ rồi rửa sạch, băm nhuyễn.
Bước 2: Làm phần nhân
Cho củ năng, tôm, thịt heo vào tô rồi nêm vào ½ muỗng cà phê đường cát trắng, 1 muỗng canh hạt nêm, trộn đều, ướp trong khoảng 10 phút. Sau đó lấy tiếp một tô khác, nên chọn tô to để dễ thao tác. Cho bột gạo và bột năng vào rồi trộn cho hai loại bột lẫn vào nhau, sau đó cho khoảng 200ml nước sôi vào bột và khuấy đều, nhào cho đến khi bột mịn và dẻo. Ngắt một phần bột ra rồi cán hình tròn mỏng thật mỏng, cho một muỗng cà phê nhân vào giữa miếng bột rồi dùng tay gói miếng bột có nhân lại. Tiếp tục cán bột và gói bánh cho đến khi hết nguyên liệu.
Sau khi làm xong, xếp há cảo lên xửng rồi hấp trong khoảng 10 phút là chín. Vậy là há cảo nhân tôm thịt đã hoàn thành. Há cảo ngon nhất khi được thưởng thức lúc còn nóng và ăn kèm với nước tương bạn nhé!
Tham khảo thêm:
Cách làm há cảo tôm thịt chiên và hấp cực thơm ngon, vừa ăn
2
Bánh bao kim sa
Loại bánh này có tên gọi như vậy là vì có lớp nhân trứng muối màu vàng ở bên trong và khi bánh được hấp chín, bẻ đôi ra thì sẽ có phần nhân chảy thành dòng, kết hợp trứng muối tạo cảm giác như hạt sa.
Nguyên liệu
-
325g bột mì
-
1/2 muỗng cà phê men nở
-
135ml sữa tươi không đường
-
4g bột nở
-
1 lòng trắng trứng gà
-
5 lòng đỏ trứng vịt muối
-
45g sữa đặc
-
50g bơ lạt
-
60ml nước cốt dừa
-
40g sữa bột
-
Gia vị: đường trắng, dầu ăn
Cách làm bánh bao kim sa
Bước 1: Làm phần nhân
Cho lòng đỏ trứng vịt muối vào nồi hấp chín, sau đó dằm nhuyễn trứng ra. Cho 50g bơ lạt, 45g sữa đặc, 40g sữa bột, 60ml nước cốt dừa vào trứng vịt muối rồi trộn đều tay đến khi thấy hỗn hợp sánh mịn. Cho hỗn hợp vừa làm xong vào khay đá, để trong ngăn đá tủ lạnh khoảng 12 tiếng.
Bước 2: Làm vỏ bánh
Cho men nở, bột mì, 5g đường trắng, 135ml sữa tươi không đường, 30ml dầu ăn vào một tô. Trộn đều cho hỗn hợp kết dính với nhau sau đó cho ra ngoài, dùng tay nhào bột thật kĩ đến khi bột mịn là được. Cho bột lại vào tô, dùng màng bọc thực phẩm bọc kín tô bột, ủ trong khoảng 1 tiếng hoặc đến khi bột nở ra gấp đôi ban đầu.
Sau khi ủ xong, dùng các ngón tay ấn vào bột cho xẹp hết bọt khí, cho thêm vào 75g bột mì, 10g sữa bột, 4g bột nở, 30g đường, lòng trắng trứng vào tô. Trộn đều cho các nguyên liệu hòa hợp với nhau, sau đó dùng tay để tiếp tục nhào bột kĩ một lần nữa.
Chia bột thành những phần nhỏ, vo tròn lại rồi để bột nghỉ 5 phút.
Bước 3: Làm bánh bao kim sa
Dùng tay ấn cho bột dẹp ra rồi cho nhân vào bên trong, gói kín bột lại. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi hết nguyên liệu. Lót một lớp giấy ở dưới bánh rồi cho bánh vào nồi hấp trong khoảng 10 phút.
Món bánh bao kim sa đã được hoàn thành. Bánh bao ngọt, thơm mùi sữa kết hợp với phần nhân chảy ra đẹp mắt khiến bạn không thể nào cưỡng lại được.
3
Xíu mại hấp
Xíu mại cũng là một món điểm tâm khá quen thuộc với mọi người. Phần nhân của xíu mại có nấm, tiêu, thịt bằm,... hòa quyện với nhau mang đến hương vị rất hấp dẫn. Đặc biệt là với những ai không ưa dầu mỡ thì xíu mại hấp là một lựa chọn không tồi.
Nguyên liệu
-
300g thịt heo bằm
-
1 củ cà rốt
-
1/4 quả hành tây
-
4 cái nấm đông cô
-
1 cái nấm mèo
-
15g hạt bắp (tùy sở thích)
-
10g đậu hà lan (tùy sở thích)
-
Vỏ xíu mại (có thể tìm mua ở siêu thị)
Cách làm xíu mại hấp
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ rồi thái nhỏ hạt lựu. Hành tây lột vỏ, cắt nhuyễn. Nấm đông cô, nấm mèo rửa sạch rồi thái nhuyễn. Đậu hà lan tách bỏ vỏ, lấy hạt.
Bước 2: Làm xíu mại
Cho vào tô: thịt heo bằm, cà rốt, nấm đông cô, nấm mèo, 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh hạt nêm, 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê tiêu, 1 muỗng canh dầu mè, 1 muỗng canh bột ngọt rồi trộn đều tất cả lại với nhau.
Múc 1 muỗng thịt cho vào giữa vỏ xíu mại rồi sau đó cho gấp mép bánh lại. Dùng ngón cái và ngón trỏ bóp bánh lại cho chặt. Xếp hạt bắp và đậu hà lan lên trên để trang trí. Cho vào xửng hấp trong khoảng 10 phút hoặc đến khi cảm thấy thịt đã chín thì lấy ra.
Món xíu mại hấp đã được hoàn thành. Bạn gặp ra đĩa và dùng nóng với nước tương kèm tương ớt là tuyệt nhất nhé!
4
Sủi cảo nhân bắp cải
Sủi cảo là món ăn khá giống với há cảo và chỉ khác nhau ở lớp vỏ gấp bên ngoài. Phần nhân bên trong có thể thay đổi tùy theo sở thích của bạn.
Nguyên liệu
-
350g bột gạo
-
2 quả trứng vịt
-
500g bắp cải
-
Hành lá, gừng
Cách làm sủi cảo nhân bắp cải
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Bắp cải là loại rau thường được phun nhiều thuốc trừ sâu nên cần phải rửa kỹ. Cắt nhỏ bắp cải rồi ngâm rửa với nước muối. Dùng tay bóp chặt bắp cải để ra hết phần nước. Hành lá rửa sạch, băm nhuyễn. Gừng gọt vỏ, rửa sạch rồi băm nhuyễn.
Bước 2: Làm phần nhân
Đập trứng vịt ra chén rồi đánh lên. Đặt chảo lên bếp, cho một ít dầu ăn vào chảo, đợi dầu ăn nóng lên thì cho trứng vịt vào nấu, thêm 2 muỗng canh dầu hào và đảo đều tay. Sau khi trứng chín, cho trứng vào tô khác, thêm vào bắp cải, hành, gừng băm nhuyễn, ½ muỗng cà phê muối, 2 muỗng canh dầu mè rồi trộn đều.
Bước 3: Làm phần vỏ
Cho bột gạo vào tô và cho từ từ khoảng 500ml nước vào rồi trộn đều đến khi hỗn hợp đều và mịn. Sau đó vo bột thành từng viên tròn đều nhau.
Bước 4: Làm sủi cảo
Ấn dẹp, mỏng những viên bột đã được vo lúc nãy, cho phần nhân bắp cải vào rồi túm phần miệng bột lại. Đun sôi nước rồi cho sủi cảo lần lượt vào luộc. Luộc cho đến khi nào thấy lớp vỏ bên ngoài chuyển sang trong hơn thì sủi cảo đã chín. Vớt sủi cảo ra, rửa lại với nước nguội rồi xếp lên đĩa.
Bước 5: Làm nước chấm
Cho ra chén 2 muỗng canh nước tương, ½ muỗng canh giấm, ½ muỗng cà phê đường trắng và khuấy đều.
Món sủi cảo nhân bắp cải đã hoàn thành. Sủi cảo sẽ được ăn kèm với nước chấm được pha riêng.
Tham khảo: 4
cách làm sủi cảo hấp chuẩn công thức thơm ngon, hấp dẫn ngay tại nhà
5
Xôi hấp trứng thịt xá xíu
Món ăn này có thể khá lạ tai nhưng với người dân Trung Hoa thì đây là một món ăn ngon và khá phổ biến. Vị xôi bùi béo kết hợp với thịt xá xíu sẽ cung cấp cho bạn đủ năng lượng để học tập và làm việc.
Nguyên liệu
-
400g gạo nếp
-
150g thịt xá xíu
-
135ml sốt xá xíu
-
3 quả trứng gà
-
2 cái nấm hương
Cách làm xôi hấp trứng thịt xá xíu
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Gạo nếp bạn vo sạch và ngâm với nước trong khoảng 4 tiếng đồng hồ cho gạo nở ra. Nấm hương rửa sạch, cắt mỗi nấm làm 3 phần đều nhau. Thịt xá xíu thái miếng nhỏ.
Bước 3: Làm xôi hấp trứng thịt xá xíu
Gạo nếp sau khi ngâm xong trộn đều với 15ml nước tương, 7.5ml nước màu, 7.5ml dầu hào và 5g muối. Trứng luộc chín và cắt đôi ra theo chiều dọc. Sau đó chia đều nguyên liệu ra 6 tô bao gồm: trứng, thịt xá xíu, nấm hương rồi thêm vào mỗi tô 22.5ml sốt xá xíu. Tiếp theo, cho gạo nếp vào khoảng 90% tô rồi cho 60ml nước lọc vào, sau đó cho các tô vào nồi hấp khoảng 45 phút là được.
Các món dimsum có cách làm không hề khó các bạn nhỉ! Chỉ với những bước đơn giản và các nguyên liệu dễ kiếm là bạn hoàn toàn có thể tự làm dimsum để chiêu đãi gia đình và bạn bè. Vậy thì còn chần chừ gì nữa mà không bắt tay vào làm ngay nào! Chúc các bạn thành công!
Từ khóa: Cách làm 5 loại dimsum kinh điển trong ẩm thực Trung Hoa,Kinh nghiệm hay tại BachHoaXanh,