Hưỡng dẫn nấu ăn
Trẻ con cần được dạy dỗ và uốn nắn tính cách từ nhỏ nhằm giúp bé trở nên tốt hơn. Bài viết này sẽ liệt kê 8 hành vi bất thường của trẻ cần được phát hiện sớm.
Vì công việc bận rộn mà một số bố mẹ không thể quan tâm con cái một cách chặt chẽ. Từ đó dẫn đến việc không chú ý các dấu hiệu bất thường ở hành vi của trẻ. Cùng điểm qua 8 hành vi bất thường của trẻ cần được phát hiện sớm trong bài viết dưới đây.
1
Một số dấu hiệu bất thường ở trẻ
Trẻ con thường khó kiểm soát tâm trạng của mình nên đôi khi sẽ diễn ra tình trạng cáu gắt, la hét hoặc tranh cãi. Nhưng nếu hành vi này diễn ra hằng ngày thì đây chính là tín hiệu báo cho bố mẹ biết rằng đó là những hành vi bất thường đáng được chú ý. Những hành vi đó có thể kể đến như:
- Khó điều khiển cảm xúc, dễ bị tác động dẫn đến tức giận dù chỉ là những việc nhỏ nhặt.
- Xuất hiện các hành vi như đánh, la hét hoặc ném đồ đạc.
- Nói chuyện thiếu tôn trọng, thô lỗ, không có lý lẽ.
- Nói dối liên tục và thường xuyên, có thói quen trộm cắp.
- Có các hành vi ảnh hưởng xấu đến học tập như thường xuyên đánh nhau, đi học muộn, cúp học.
- Không tìm được tiếng nói chung với bạn bè đồng trang lứa, khó tập trung, lười biếng, hay bồn chồn hoặc mất phương hướng.
- Hứng thú với các hành vi tình dục không phù hợp độ tuổi.
- Thường xuyên thắc mắc, không nghe lời hoặc cãi lại những điều, những quy tắc mà bố mẹ đặt ra.
2
8 hành vi bất thường của trẻ cần được phát hiện sớm
Không tôn trọng và cãi lời người lớn
Bạn có thể dùng cụm từ "vẫn chưa biết gì" đối với hành động cãi lời và tỏ ra không tôn trọng người lớn ở một đứa trẻ 3 tuổi. Tuy nhiên nếu trong trường hợp hành động đó xuất hiện ở một đứa trẻ 7 tuổi thì bạn cần hết sức chú ý. Vì một khi bạn không xử lý tình trạng này đúng cách, xung đột giữa bố mẹ và con cái sẽ nhanh chóng xảy ra. Bạn có thể dùng những cách sau để dạy dỗ bé:
- Trong trường hợp bé cãi lại nhưng không quậy phá hay vẫn thực hiện theo yêu cầu của bạn thì có thể cân nhắc và bỏ qua. Hoặc xem xét điều bé nói và hành vi của bé có đúng hay ảnh hưởng đến người khác hay không. Đồng thời, cần dặn dò bé rằng có thể bực tức nhưng tuyệt đối không được cư xử thô lỗ, thiếu tôn trọng.
- Đợi trẻ ổn định tâm trạng rồi hãy nói về những hành vi của bé và chỉ ra hậu quả của các hành vi đó. Không nên phản ứng quá dữ dội nhằm tránh kích thích cảm xúc.
- Thay vì đe dọa, thì hãy phạt trẻ bằng cách không cho xem phim, chơi game hoặc không được ăn các món yêu thích.
- Suy xét lại cách cư xử hằng ngày của chính mình và mọi người xung quanh, tìm cách thay đổi nếu như bản thân cũng có những hành vi thô lỗ để làm gương cho bé.
Trẻ chửi thề, dùng từ khiếm nhã
Việc trẻ la hét để giải tỏa cảm xúc có thể xem là việc hoàn toàn bình thường, tuy nhiên, nếu trước 10 tuổi, trẻ có thói quen chửi tục thì bố mẹ cần chú ý nhằm để con loại bỏ tình trạng này. Bố mẹ có thể thực hiện các cách sau:
- Tuyệt đối không nói tục chửi thề trước mặt trẻ.
- Cần lập tức tìm hiểu lý do bé biết đến những từ ngữ không hay ngay khi bé chửi thề, giải thích cặn kẽ cho con rằng không nên sử dụng các từ ngữ này.
- Khi vô tình dùng từ khiếm nhã trước mặt trẻ cần lập tức xin lỗi trẻ, để trẻ biết được những từ ngữ đó là không hay, không nên nói.
Có hành vi hung hăng và bạo lực
Việc trẻ hung hăng khi nổi giận là cách giải tỏa tâm lý bình thường. Tuy nhiên, các vấn đề tâm lý như rối loạn tâm trạng, tâm lý, hành vi, chấn thương, bốc đồng, thất vọng cũng có thể dẫn đến các hành vi hung hăng ở trẻ.
Thậm chí có một số bé còn bộc lộ các hành vi bạo lực như cắn, đá, đánh bạn nhằm bảo vệ bản thân và bé có thể học các hành vi tiêu cực này ở trường hoặc ở nhà. Nhằm cải thiện tình trạng này, bố mẹ có thể thực hiện các điều sau:
- Bình tĩnh nói chuyện với bé, không tỏ cáu giận hay đánh mắng. Điều này cũng chính là cách làm gương cho bé rằng bạo lực hay tức giận sẽ không giải quyết được vấn đề.
- Giải thích cho bé hiểu rằng các hành động tiêu cực là hành vi không tốt và hậu quả khi bé thực hiện các hành vi đó. Và dạy cách thể hiện khi tức giận khác thay vì dùng các hành động đánh, đá hay cắn.
- Khen ngợi khi con cải thiện được hành vi, thực hiện các hành động tích cực hoặc phê bình khi con có hành vi không tốt.
Nói dối
Một số trẻ có thói quen nói dối một cách liên tục và thường xuyên, từ đó, dẫn đến bố mẹ không tin những gì bé nói nữa. Nếu bố mẹ phát hiện hành vi này, bố mẹ cần:
- Tìm hiểu lý do bé nói dối và khuyến khích bé nói ra những mong muốn, suy nghĩ thật sự của mình cho bố mẹ biết.
- Làm gương cho bé và dạy cho bé sự thành thật.
Bắt nạt bạn bè
Bé thực hiện hành vi bắt nạt bạn bè nhằm chứng tỏ bản thân mạnh mẽ và đây là vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Không chỉ không tốt cho bé mà còn tác động xấu đến cảm xúc và thể chất của người khác. Điều bố mẹ cần làm lúc này là:
- Chú ý quan sát nhằm phát hiện hành vi bắt nạt bạn bè của trẻ và chấn chỉnh ngay lập tức.
- Giải thích cho bé rằng bắt nạt người khác, dùng bạo lực nhằm khiến người khác làm theo ý mình là không tốt, không nên làm.
- Đề ra các quy tắc trong nhà như không được bắt nạt trong nhà, không được cư xử như vậy ở nhà.
Trẻ hay vòi vĩnh
Khi mong muốn điều gì đó mà không được đáp ứng, một số trẻ sẽ có biểu hiện quấy khóc, bạo lực, la hét nhằm ép mọi người phải làm theo ý mình như đòi ăn bánh kẹo, muốn mua đồ chơi,... Nếu như lúc này bạn chiều theo mong muốn của bé thì sẽ càng khiến bé cho rằng việc bé làm là đúng.
Cho nên, nếu bé bắt đầu la hét để vòi vĩnh thì bạn cần hết sức cứng rắn, không chiều theo ý bé và giải thích rõ cho bé nhằm giúp bé hiểu hơn.
Thiếu động lực, lười biếng
Nếu bé có biểu hiện lười biếng, không muốn tham gia các hoạt động tại trường hay giao lưu với bạn bè, bạn có thể tạo động lực cho bé bằng những cách sau:
- Kể những chuyện lúc còn bé nhằm truyền cảm hứng cho bé có động lực tham gia các hoạt động.
- Để bé tự lựa chọn những điều mình muốn làm, những sự kiện muốn tham gia và không nên ép buộc trẻ.
- Quan sát xem bé muốn làm những gì, yêu thích những gì và khuyến khích trẻ thực hiện những mong muốn của bé.
Gặp vấn đề trong cư xử ở trường
Nếu bé con nhà bạn thường xuyên bày tỏ rằng không muốn đến trường thì có thể đến từ các nguyên do như lo lắng, không muốn làm bài tập, không muốn xa bố mẹ, không thích các quy định ở trường hoặc nghiêm trọng hơn là bé bị bắt nạt. Lúc này, bố mẹ cần đồng hành cùng con và thực hiện những điều sau:
- Quan sát, thăm dò nhằm tìm hiểu nguyên nhân khiến con ngại đến trường và tìm cách giải quyết. Bạn cũng có thể nhờ sự trợ giúp từ giáo viên ở trường nếu như tình hình không cải thiện.
- Khuyến khích, tạo động lực cho bé khi học cũng như cùng bé giải quyết các bài tập khó nhưng không nên hứa hẹn, treo thưởng.
- Nếu như sau một thời gian tình hình không cải thiện thì có thể tham khảo ý kiến từ bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý.
3
Những cách khắc phục hành vi bất thường ở trẻ
Hành vi bất thường ở trẻ sẽ được giải quyết một cách hiệu quả khi bạn cho bé tham gia các hoạt động như:
- Mang trẻ đến công viên để vận động cơ thể, tập thể dục hoặc vui chơi vào mỗi buổi sáng. Cách này sẽ giúp bé giải tỏa tâm lý, hạn chế tình trạng cáu giận và trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
- Chọn cho bé một quyển sách có nội dung phù hợp với lứa tuổi, hoặc gợi ý chúng viết những gì chúng muốn ra giấy, và đọc to.
- Tâm sự với bé về một hoạt động thú vị nào đó nhằm thu hút sự chú ý và trí tưởng tượng của trẻ. Cách này sẽ giúp bé ổn định tâm trạng cũng như dùng năng lượng một cách hợp lý.
- Để bé tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh hoặc đọc những quyển sách, những nội dung giáo dục về sự chia sẻ, giúp đỡ người khác, cảm ơn khi được giúp đỡ hoặc xin lỗi khi làm sai,...
Tính cách của con trẻ tốt hay xấu đều liên quan đến cách hành xử của mọi người xung quanh chúng, môi trường sống và sự quan tâm dạy dỗ từ người lớn. Hy vọng rằng những thông tin trong bài viết này đã giúp các bậc phụ huynh hiểu thêm về 8 hành vi bất thường của trẻ nhằm phát hiện sớm và giải quyết đúng cách.
Nguồn: Hellobacsi.com
Có thể bạn quan tâm: