Hưỡng dẫn nấu ăn
Những khó khăn khi mới bắt đầu tập ăn dặm cho trẻ rất phổ biến và là nỗi trăn trở của nhiều người. Cùng tìm hiểu 7 bí quyết giúp mẹ giải quyết nỗi lo trẻ từ chối ăn dặm nhé!
Thông thường, trẻ từ 6 tháng tuổi đã có thể bắt đầu tập làm quen với việc ăn dặm. Tuy nhiên, nhiều trẻ sơ sinh thường không hợp tác, khiến bố mẹ rất phiền não mỗi lần cho trẻ ăn. Dưới đây là một số mẹo hay giúp bé ăn ngon miệng hơn, giải quyết nỗi lo trẻ từ chối ăn dặm nhé!
1
Hãy để bé ăn cùng bố mẹ
Bạn nên bố trí chỗ ngồi trên bàn ăn để bé ngồi dùng bữa cùng với bố mẹ. Khi bé nhìn thấy có nhiều thức ăn trên bàn và nhiều người ngồi xung quanh cùng ăn với bé sẽ giúp con có hứng thú và tự giác ăn hơn.
Bởi các trẻ nhỏ sẽ có xu hướng quan sát và bắt chước người lớn, do đó cha mẹ hãy ăn thật ngon miệng để con cảm thấy đồ ăn mẹ nấu thật tuyệt.
2
Tạo môi trường vui vẻ, không bị phân tâm
Nhiều trẻ không chịu hợp tác khi ăn sẽ khiến mẹ bực tức và đánh mắng trẻ, chính vì vậy trẻ sẽ sợ hãi và không còn muốn ăn nữa mà chỉ la khóc. Tốt nhất các mẹ nên cố gắng tạo một không khí vui vẻ khi cho trẻ ăn, để tâm trạng của con được tốt hơn thì con cũng thích ăn hơn.
Ngoài ra, trẻ nhỏ rất dễ bị phân tâm bởi môi trường xung quanh như TV, điện thoại, âm nhạc, đồ chơi,...do đó bố mẹ nên giữ trẻ tránh xa khỏi chúng khi cho trẻ ăn, giúp trẻ tập trung khám phá mùi vị của đồ ăn.
3
Không nên bóp miệng ép trẻ phải ăn
Nhiều phụ huynh khi thấy con không chịu ăn liền bóp miệng ép trẻ phải ăn cho bằng được. Tuy nhiên điều này không chỉ khiến trẻ sợ hãi mà còn là nỗi ám ảnh mỗi khi đến giờ ăn. Do đó, bố mẹ không nên làm hành động này mà nên tìm cách khác để trẻ ăn dễ dàng.
Nếu bé không chịu ăn, quay đầu hay đẩy muỗng thức ăn ra có thể là dấu hiệu bé đã ăn no hoặc không thích thú. Còn nếu trường hợp bé khóc quấy khi lấy thức ăn đi thì có thể do bé còn đói, nên cho bé ăn nhiều hơn.
4
Đừng đút liên tục
Việc bố mẹ liên tục đút muỗng thức ăn vào miệng bé sẽ không có lợi, bé sẽ cảm thấy khó chịu hơn là hứng thú và liên tục quấy khóc. Do đó, tốt nhất mẹ nên đút con ăn từ từ để bé có thể cảm nhận được hết hương vị của món ăn rồi đút con ăn tiếp.
5
Không nên cho con ăn no quá hoặc đói quá
Nếu trẻ đã bú đủ sữa và no bụng thì sẽ không có nhu cầu muốn ăn thêm món ăn dặm nào khác. Do đó, các mẹ bỉm nên có kế hoạch giờ ăn khi cho con ăn dặm.
Hạn chế để giờ bú sữa và giờ ăn của con quá gần nhau, thời gian hợp lý giữa các cữ là khoảng 1.5-2 tiếng. Ngoài ra cũng không nên cho trẻ ăn gần giờ đi ngủ, vì sẽ khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi hơn là hứng thú ăn.
6
Thử nghiệm với nhiều loại thức ăn
Trong giai đoạn mới bắt đầu tập ăn dặm, phụ huynh sẽ chưa biết được bé sẽ thích ăn gì, do đó mẹ nên quan sát và tìm hiểu biểu cảm mỗi khi cho trẻ ăn một loại thức ăn nào đó.
Các chuyên gia khuyến cáo khi mới bắt đầu nên cho con ăn bột nhuyễn mịn để làm quen, rồi sau đó mới tập cho ăn thô dần dần.
7
Cố gắng thư giãn khi cho con ăn
Khi mẹ bị căng thẳng sẽ tỏ ra bực tức và thúc ép con ăn nhiều hơn, tuy nhiên bạn nên biết rằng trẻ nhỏ có thể chưa quen và cần có thời gian làm quen với việc ăn những món ăn dặm. Mẹ hãy từ từ và cho con thời gian để khám phá các loại thức ăn mà trẻ yêu thích nhé!
Trên đây là một số lời khuyên hữu ích giúp các mẹ dễ dàng hơn trong việc tập làm quen cho con ăn dặm. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với các mẹ có con nhỏ.
Nguồn: Báo điện tử Tổ quốc
Có thể bạn quan tâm:
- Cách xây dựng thực đơn ăn dặm truyền thống cho trẻ từ 6 - 7 tháng
- Thực đơn ăn dặm cho bé từ 6 đến 12 tháng tuổi của viện dinh dưỡng
- Thời điểm cho bé ăn dặm tốt nhất mà các mẹ bỉm sữa nên biết
Từ khóa: trẻ từ chối ăn dặm,