Hay ăn

Hưỡng dẫn nấu ăn

Mì gà tần và mì gà tiềm

2 cách nấu mì gà tần và mì gà tiềm thơm ngon bổ dưỡng dễ làm tại nhà

Mì gà tần và mì gà tiềm là món nước thơm ngon, đậm đà và cực kì hấp, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho các thành viên trong gia đình đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Cùng HAY ĂN vào bếp thực hiện ngay nhé!

1. Mì gà tần

Mì gà tần
  • Chuẩn bị

    5 giờ
  • Chế biến

    40 phút
  • Độ khó

    Dễ

Nguyên liệu làm Mì gà tần

Ngải cứu Mì gói (hoặc mì tươi) Gà ác Gia vị hầm thuốc bắc (khoảng 84gr) Rau tần ô (cải cúc) Táo tàu Bột canh Hạt sen khô Muối

Cách chọn mua nguyên liệu tươi, ngon:

Cách chọn mua gà ác tươi ngon

  • Gà ngon sẽ có thân nhỏ gọn, săn chắc và ức nhỏ, da gà có màu đen óng.
  • Thịt gà tươi không có mùi ôi, mùi hôi.
  • Dùng tay nhấn vào thịt để kiểm tra, nếu thịt săn chắc, đàn hồi là gà ngon. Trường hợp, nếu thịt bị nhão, trơn, biến dạng hoặc bị lõm thì không nên mua để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cách chọn hạt sen khô ngon:

  • Chọn hạt sen khô thì nên chọn những hạt chắc đẹp.
  • Nên chọn hạt bên ngoài có màu trắng, dáng tròn, màu sẽ hơi trắng ngà hoặc vàng đậm.
  • Nếu hạt sen đã đóng gói trong bao bì, các bạn nên kiểm tra kĩ hạn sử dụng, bao bì bên ngoài nguyên vẹn, không rách hay bị ố màu, sản phẩm bên trong không nổi mốc.

Lưu ý về nguyên liệu

Mì gà tần

Dụng cụ thực hiện:

Nồi áp suất, lon bia rỗng, nồi, dao,...

Cách chế biến Mì gà tần

  • Sơ chế gà ác

    Về phần thịt gà, để tiết kiệm thời gian bạn nên nhờ người bán làm lông sẵn, sau khi mua về các bạn mổ bụng, dùng muối hoặc chanh chà xát lên toàn thân gà, sau đó rửa lại gà với nước sạch, để ráo.

  • Sơ chế các nguyên liệu khác

    Hạt sen rửa sạch, bỏ phần tim sen. Mang ngâm nước tầm 5 tiếng để hạt sen nở đều, không bị cứng.

    Táo tàu rửa sạch, để ráo.

    Ngải cứu và rau tần ô (cải cúc) mua về các bạn nhặt lấy lá và phần ngọn non mang đi rửa sạch với nước rồi để ráo.

    Bắc 1 nồi nước lên bếp và đun sôi, cho vào nồi 1 muỗng canh bột canh và khuấy đều. Cho ngải cứu vào nồi và chần sơ khoảng 1 – 2 phút rồi vớt ra.

  • Nhồi và nấu gà tần

    Lấy 4 vỏ lon bia rỗng, dùng dao cắt bỏ phần đầu lon.

    Lấy ít rau ngải cứu và gia vị hầm thuốc bắc mỗi loại 3gr cho vào trong bụng gà

    Cho phần gà đã nhồi nhân vào trong lon bia. Kế đến xếp thêm hạt sen, táo tàu, rau ngải cứu, 1 ít gia vị hầm thuốc bắc, 1/2 muỗng cà phê bột canh, 50ml nước sao cho vừa đầy lon là được.

    Đổ phần nước luộc rau ngải cứu vào nồi áp suất, xếp phần gà vào nồi, đập nắp và tần (tiềm) gà ở lửa lớn trong vòng 20 phút cho gà mềm.

    Mách nhỏ: Nếu không có nồi áp suất, bạn có thể tần gà bằng nồi thường trong khoảng từ 50 phút - 1 giờ để gà chín mềm.

  • Trụng rau và mì

    Bắc 1 nồi nước lên bếp và đun sôi, cho rau tần ô (cải cúc) vào trụng khoảng 2 phút rồi vớt ra, để ráo.

    Cho tiếp mì gói vào nước luộc rau và trụng đều đến khi mì chín mềm thì vớt ra.

  • Hoàn thành

    Xếp mì gói và rau tần ô ra tô, sau đó đổ phần gà tần trong lon kia vào tô, trang trí lại cho đẹp mắt là hoàn thành.

  • Thành phẩm

    Mì gà tần hấp dẫn, nước dùng thanh ngọt, thơm nức mùi thảo mộc, thịt gà mềm ngọt đầy dinh dưỡng, thêm chút ớt sa tế và hoặc muối tiêu chanh ăn kèm là tuyệt cú mèo đấy!

2. Mì gà tiềm

Mì gà tiềm
  • Chuẩn bị

    2 giờ
  • Chế biến

    40 phút
  • Độ khó

    Dễ

Nguyên liệu làm Mì gà tiềm

Đùi gà (1kg) Nấm đông cô khô (nấm hương) Hoa hồi Vỏ quýt khô Vỏ quế (nhỏ) Nước dừa Dầu hào Dầu mè Hắc xì dầu Bột ngũ vị hương Cải thìa Dầu ăn Gia vị (đường; muối; hạt nêm; tiêu) Hành tím Tỏi Giấm Nước tương

Cách chọn mua nguyên liệu tươi, ngon

Cách chọn mua đùi gà ngon

  • Để làm gà tiềm bạn nên chọn mua cánh gà công nghiệp sẽ có nhiều thịt, đùi gà lớn hơn gà ta.
  • Chọn mua đùi gà có màu vàng nhạt tự nhiên, ấn vào thấy thịt săn chắc có sự đàn hồi.
  • Không mua đùi có vết bầm, tụ máu, màu sắc không đều, có mùi hôi, thịt mềm nhão.
  • Phần thịt gà tươi, hồng, nếu thấy màu sạm đen thì có thể là gà đã chết trước khi giết thịt.

Cách chọn mua nấm đông cô (nấm hương) ngon

Với món ăn này, bạn có thể chọn nấm đông cô (nấm hương) khô hoặc tươi đều được.

Đối với nấm khô

  • Nên chọn loại chắc, không đứt gãy, màu sáng, không có vết mốc màu trắng. Chọn cơ sở uy tín để lựa chọn mua nấm khô để đảm bảo an toàn.
  • Không nên chọn mua nấm đông cô khô không rõ nguồn gốc và có mùi hôi khó chịu.

Đối với nấm tươi

  • Nên mua loại có màu sắc tươi, mùi thơm đặc trưng, tránh chọn nấm bị dập nát, có mùi ôi. Vết cắt rỉ ra chất trắng sữa là dấu hiệu của nấm độc. Tránh những cây nấm có vết thâm hoặc bị nhăn trên chóp, không nên chọn nấm bị nhớt. Nấm tươi sẽ có một lớp tơ mỏng như giấy trên nấm.
  • Chọn nấm có cuống nấm chắc chắn, màu sắc đồng đều, nếu nấm đã nở có thể nhìn thấy những lá tia trên mũ nấm thì chúng phải thành chuỗi đều, đẹp và khô ráo.
  • Khi chọn nấm hương tươi, nên chọn loại cánh vừa phải, cúp chặt, có màu hơi vàng nâu. Nếu thấy nấm màu nâu đậm thì không nên mua, vì có thể đây sẽ là loại nấm độc.

Mì gà tiềm

Cách chế biến Mì gà tiềm

  • Sơ chế và ướp gà

    Đùi gà mua về bạn rửa sạch, rồi dùng muối và giấm chà xát quanh da gà, rửa lại nước sạch và để ráo nước.

    Lấy 2 củ hành tím và 5 tép tỏi lột vỏ, sau đó đập dập.

    Cho vào chén 1 muỗng canh hắc xì dầu, 1 muỗng canh nước tương, 1/2 muỗng canh dầu hào, 1/2 muỗng canh dầu mè, 1/2 muỗng cà phê muối, 2 muỗng cà phê hạt nêm, 1/2 muỗng cà phê bột ngũ vị hương, toàn bộ phần hành tím và tỏi đập dập. Khuấy đều cho các gia vị hòa vào nhau.

    Rưới đều phần sốt vừa pha lên đùi gà, dùng tay xoa bóp đều 2 mặt thịt gà. Bọc khay thịt gà bằng màng bọc thực phẩm và cho vào ngăn mát tủ lạnh, ướp gà khoảng 2 - 4 giờ để gà thấm gia vị.

    Mách nhỏ: Nếu có thời gian bạn nên ướp thịt gà qua đêm trong ngăn mát tủ lạnh để thịt gà được thấm gia vị và món ăn sẽ đậm đà hơn.

  • Sơ chế các nguyên liệu khác

    Cải thìa sau khi mua về, các bạn cắt bỏ gốc, nhặt lá sâu. Ngâm cải trong nước muối pha loãng khoảng 10 phút, sau đó rửa thật sạch.

    Nấm đông cô mua về các bạn xả sạch qua nước lạnh cho nấm sạch bụi bẩn, sau đó ngâm nấm với nước khoảng 30 - 45 phút cho nấm nở mềm, sau đó vắt ráo nước.

    Cách ngâm nấm đông cô khô đúng cách

    • Rửa nấm qua nước để loại bỏ các bụi bẩn, sau đó ngâm nấm trong nước từ 30 phút đến vài tiếng để nấm được nở mềm; ngâm ít hơn 30 phút nấm sẽ chưa mềm được, nấu không ngon.
    • Để rút ngắn thời gian bạn có thể ngâm nấm trong nước ấm hoặc nước nóng 60 - 80 độ C trong 10 phút.
    • Khi ngâm bạn quay phần gốc nấm tiếp xúc với mặt nước để dễ dàng loại bỏ những bụi bẩn khỏi nấm hương.
    • Cắt bỏ chân nấm vì phần chân rất cứng ăn sẽ không ngon.
  • Chiên gà

    Bắc chảo lên bếp, cho 50ml dầu ăn vào và đun nóng. Dầu nóng các bạn lần lượt thả từng miếng đùi gà vào chiên ngập dầu ở lửa vừa đến khi da gà vàng đều và thịt gà chín tới thì vớt ra, để ráo dầu.

    Mẹo chiên gà giòn ngon, không văng dầu

    • Nên để dầu thật nóng rồi mới thả gà vào và chiên ngập dầu ở lừa vừa và nhỏ giúp cho da gà được vàng đều và thịt gà chín hoàn toàn, không bị cháy khét.
    • Không nên cho đường vào gia vị ướp gà vì khi chiên dễ làm gà bị cháy, khét.
    • Khi chiên gà bạn có thể cho 1 ít bột mì hoặc bột bắp vào chảo dầu giúp cho dầu ăn không bị văng ra ngoài trong quá trình chiên.
  • Nấu nước dùng

    Xếp phần đùi gà vừa chiên vào nồi. Thêm tiếp vào nồi 2 miếng hoa hồi, 1 lát vỏ quýt khô, 2 miếng vỏ quế, 12 cái nấm đông cô đã ngâm mềm, 2 lít nước dừa, 1 muỗng canh nước tương, 1/2 muỗng canh hắc xì dầu, 1 muỗng canh đường.

    Đậy nắp và tiến hành tiềm gà trong vòng 20 phút.

    Mách nhỏ: Bạn có thể thay nước dừa bằng nước hầm gà hoặc nước hầm xương đều được.

  • Trụng rau và mì

    Bắc 1 nồi nước lên bếp, cho vào nồi 1 muỗng cà phê muối, 5ml dầu ăn và tiến hành đun sôi. Kế đến cho cải thìa vào nồi và trụng khoảng 3 phút thì vớt ra.

    Mách nhỏ: Cho dầu ăn vào nước trụng cải giúp cho cải được xanh và bóng mượt đẹp mắt.

    Tận dụng nồi nước luộc cải đang sôi, các bạn cho mì vào và trụng trong khoảng 2 - 3 phút tùy theo loại mì (xem kỹ hướng dẫn trên bao bì tùy theo loại mì).

    Mẹo trụng mì ngon, không bị bở:

    • Khi nước sôi thì hạ lửa vừa hoặc nhỏ và trụng mì đến gần chín, bạn không luộc chín quá mì sẽ nát không ngon.
    • Trong quá trình trụng, bạn nên thêm một ít muối vào nước để tăng hương vị của mì.
    • Sau khi mì chín, đổ vào rổ cho ráo nước, sau đó cho vào vài giọt dầu ô-liu hoặc dầu ăn để không dính lại với nhau.
  • Hoàn thành

    Cho mì đã trụng chín, rau cải thìa vào tô, rồi chang nước dùng lên trên, để tô mì gà tiềm thêm hấp dẫn, bạn hãy cho thêm vào chút tiêu xay và hành lá cắt nhỏ nhé!

  • Thành phẩm

    Như thế là bạn đã có ngay bát mì gà tiềm thơm ngon nóng hổi, bổ dưỡng để thưởng thức, đặc biệt là vào ngày mưa có tiết trời se lạnh. Món này có thể dùng kém với 1 ít muối tiêu chanh và củ cải ngâm chua ngọt sẽ vô cùng tuyệt vời đó

Cách sơ chế thịt gà sạch, không hôi

  • Để gà không hôi, bạn cần làm sạch hết lông, kể cả lông măng (lông tơ) để gà trắng, sạch và bớt hôi.
  • Pha giấm và muối theo tỉ lệ 2 muối 1 giấm rồi thoa khắp mình gà vịt, chà xát nhiều lần sau đó rửa lại thật kỹ bằng nước sạch hoặc chà xát chanh, muối lên da gà hoặc dùng một ít gừng và rượu trắng chà xát lên gà để khử mùi hôi.

Mẹo thực hiện thành công

  • Bạn có thể tiềm (tần) gà và trụng sơ mì từ đêm hôm trước và bảo quản trong tủ lạnh, sáng chỉ cần hâm nóng và trụng lại mì là có thể dùng rồi.
  • Bạn có thể sử dụng nồi áp suất và tiềm (tần) gà để rút ngắn thời gian chế biến, thịt gà mau mềm và ra nước ngọt ngon rồi nhé!


Qua bài viết, bạn đã biết cách làm mì gà tần và mì gà tiềm thơm ngon và hấp dẫn để chiêu đãi người thân và bạn bè vào những dịp cuối tuần. Chúc bạn thành công!

*Tham khảo hình ảnh và công thức từ 2 kênh YouTube: DinologyGhiền nấu ăn

Từ khóa: Mì gà tần và mì gà tiềm,cách nấu mì gà,cách nấu mì gà tần,cách nấu mì gà tiềm,mì gà,món nước,cách nấu mì gà,cách nấu mì gà tần,cách nấu mì gà tiềm,mì gà,món nước,cách nấu mì gà,cách nấu mì gà tần,cách nấu mì gà tiềm,mì gà,món nước,