Hưỡng dẫn nấu ăn
Tết Đoan Ngọ vừa trôi qua với những mâm cỗ to đầy những món ăn truyền thống cùng với những chiếc bánh ú lá tro dẻo thơm vẫn khiến bạn thèm thuồng khi nhớ về. Và hôm nay HAY ĂN sẽ chia sẻ cho bạn một cách làm bánh ú lá tro cực ngon và đơn giản nhé!
Bánh ú lá tro (hay còn gọi là bánh tro, bánh gio) là một trong những loại bánh truyền thống chứa đựng tinh hoa văn hóa ẩm thực dân tộc. Đây là loại bánh không thể thiếu để cúng ông bà tổ tiên trong ngày Tết Đoan Ngọ cũng như những đám tiệc của người Việt Nam nói chung bởi vỏ bánh dai dai cùng vị béo bùi, tan ngay trong miệng. Theo dân gian, món bánh này có vị ngọt, tính mát nên thích hợp với trẻ em, người gia đang bị nóng sốt.
Ngoài ra, bánh cũng có công dụng trong việc trung hòa bớt chất độc hại có trong đồ ăn thức uống để bảo vệ sức khỏe. Nếu bạn không biết Tết Đoan Ngọ ăn gì thì hãy tham khảo bài viết này nhé!
Tham khảo thêm:
Tết Đoan ngọ cúng gì? Mâm cúng Tết Đoan ngọ gồm những gì?
1
Hướng dẫn làm bánh tro nhân đậu xanh
30 phút Chế biến
90 phút Dành cho
4-5 người
Nguyên liệu làm bánh tro nhân đậu xanh
-
600g gạo nếp
-
200g đậu xanh đãi vỏ
-
1 cái vỏ bông gòn
-
1 muỗng canh dầu ăn
-
Lá tre, dây gói bánh
-
Nước
-
Nước sôi
Cách làm bánh tro nhân đậu xanh
Bạn đốt cháy vỏ bông gòn cho thành tro mịn màu đen sau đó cho vào 1 chén đã chứa nước, để yên khoảng 1 tiếng cho tro lắng hết xuống. Sau đó bạn chắt lấy phần nước trong trên bề mặt và sau đó bạn có thể lọc qua rây vài lần cho đến khi nước tro không còn cặn.
Gạo nếp: vo sạch rồi cho vào nước tro, ngâm khoảng 16 tiếng. Sau đó, bạn chắt bỏ nước tro, vo nếp lại với nước vài lần cho sạch sau đó để ráo, cho vào 1 muỗng canh dầu ăn và xóc đều lên để tạo độ bóng và tăng độ dẻo mềm cho gạo nếp.
Bắc nồi lên bếp, cho đậu xanh vào luộc chín mềm với một ít nước. Sau đó, thêm vào nồi khoảng 3 thìa đường hoặc hơn nếu bạn muốn nhân ngọt nhiều, đảo nhanh tay để hạt đỗ nát mịn.
Đổ đỗ xanh ra chảo, tiến hành sên trên lửa nhỏ đến khi đỗ se khô lại, đảo đều.
Tiếp theo, cho 3 thìa đường vào đậu, lượng đường tùy vào khẩu vị của bạn, tắt bếp và để nguội.
Chia nhân bánh thành nhiều phần nhỏ, vo tròn và để riêng ra đĩa.
Rửa sạch lá tre, cho vào nồi nước đun sôi chần sơ qua, để ráo nước. Bước này sẽ giúp lá mềm và dễ gói hơn.
Lấy 2 lá tre xếp chồng lên nhau nhưng để 2 lá lệch nhau một chút, từ từ cuốn đầu lá tre thành hình chiếc phễu, phần dưới đuôi lá thì giữa kín chặt.
Múc khoảng 2 muỗng gạo nếp đổ vào lá được gói hình phễu, cho 1 – 2 viên nhân vào trong rồi đổ thêm nếp vào để che phủ nhân, dùng thìa ép xuống thật chặt.
Gấp hết các góc còn lại của lá thật kín, buộc lại bằng dây lạt. Tiếp tục gói bánh đến khi hết phần nguyên liệu đã chuẩn bị, cột bánh lại thành từng chùm.
Cách nấu bánh: Đổ nước sao cho nước ngập mặt bánh khoảng 1 gang tay, đun sôi rồi thả từng chùm bánh vào luộc từ 1.5 – 2 tiếng.
Lưu ý: Trong quá trình làm bánh ú tro, bạn cần phải chú ý lượng nước trong lúc nấu, thỉnh thoảng hãy thêm nước sôi vào để không bị cạn nước, không thêm nước lọc vì sẽ làm nếp bị sượng. Khi bánh chín, vớt bánh ra khỏi nồi, xả qua nước lạnh và treo lên, để ráo nước.
Thành phẩm
Khi mở bánh ra, nếu bánh ngon đúng chuẩn thì hạt gạo nếp sẽ trong, nhân đỗ xanh mùi thơm nhẹ, vị bùi ngọt và mềm. Khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận được bánh cực kỳ dẻo thơm.
Một số lưu ý khi làm bánh ú tro:
- Bạn có thể mua nước tro bán sẵn ngoài chợ để đỡ tốn thời gian chuẩn bị.
- Lượng đường cho vào nhân bánh khi sên có thể giảm để phù hợp với khẩu vị.
- Không đổ nước lạnh vào bánh khi đang luộc vì sẽ làm hạt gạo bị sượng.
2
Hướng dẫn làm bánh tro không nhân
30 phút Chế biến
90 phút Dành cho
3 - 5 người
Nguyên liệu làm bánh tro không nhân
-
2kg gạo nếp
-
2 viên tro tàu
-
Lá tre
Cách làm bánh tro nhân không nhân
Đầu tiên, bạn pha 2 viên tro tàu với 200ml nước nóng, khuấy cho tan thành hỗn hợp nước tro. Ngâm gạo nếp vo nhiều lần đến khi nước ngâm thật trong, đổ nước vào sâm sấp mặt nếp ngâm khoảng 4 tiếng, cho thêm 200ml nước tro vào ngâm tiếp trong 20 tiếng.
Lá tre bạn đem rửa sạch rồi đem đi hấp trong 5 phút, rồi để nguội, lấy khăn sạch lau thật khô hai mặt lá để bánh để lâu hơn.
Sau khi ngâm nếp trong 24 tiếng thì vớt ra, để ráo nước. Lấy lá tre gấp lại thành hình cái phễu rồi múc từng muỗng nếp cho vào, nén lại.
Kế đến, bạn gấp kín miệng bánh và nhẹ nhàng gấp bánh theo hình kim tự tháp, lấy dây gói bánh lại thật chặt, làm đến hết số nếp đã ngâm. Cuối cùng, bạn xếp bánh vào nồi bánh, đổ nước lạnh vào ngập mặt bánh, luộc bánh trong 5 tiếng thì bánh mới trong và dẻo được.
Thành phẩm
Món bánh tro không nhân có màu tro sáng bóng nhìn mê người, nếm thử bạn sẽ cảm nhận được vị dẻo ngọt của bánh, tuy không có nhân nhưng ăn khá ngon, không hề bị ngán
3
Hướng dẫn làm mật mía chấm bánh tro
3 phút Chế biến
5 phút Dành cho
3 - 5 người
Nguyên liệu làm mật mía chấm bánh tro
-
3 muỗng canh đường nâu (hoặc đường đen)
-
3 muỗng canh nước cốt dừa đặc
-
½ muỗng cafe muối
Cách làm mật mía chấm bánh tro
Đầu tiên, bạn bắt nồi lên bếp, cho vào 3 muỗng canh đường nâu, 3 muỗng canh nước cốt dừa đặc, sau đó bật bếp đun.
Khi đun, bạn chờ các nguyên liệu hòa tan lại với nhau, thêm ½ muỗng cafe muối để lại dịu lại vị ngọt của sốt, rồi khuấy đều để chúng hòa quyện lại với nhau, nấu thêm 3 phút nữa thì tắt bếp, đổ ra chén.
Thành phẩm
Phần sốt mật mía sóng sánh, có màu caramel cực đẹp, đã vậy có vị ngọt đậm đà, béo thơm, chấm với bánh ú tro không nhân là cực hợp.
Bên trên là cách làm món bánh ú nước tro và nước sốt mật mía ăn kèm, mong qua bài viết trên các bạn có biết thêm một cách làm món bánh tro mới lạ, chúc các bạn thành công ngay lần đầu thực hiện nhé.
Từ khóa: 2 cách làm bánh tro (bánh ú tro) Tết Đoan Ngọ đơn giản tại nhà,bánh tro,bánh ú tro,bánh ú tết đoan ngọ,cách làm bánh ú,